Trung tâm xử lý tin giả, thông tin xấu độc Việt Nam
Hotline
Trung tâm xử lý tin giả, thông tin xấu độc Việt Nam

Ứng phó với 'tin giả' trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng

Trong khuôn khổ chiến dịch “TIN" diễn ra từ tháng 9 đến tháng 11/2023, nhằm nâng cao văn hóa mạng tại Việt Nam, hạn chế phát tán và lan truyền tin giả, tin sai sự thật trên Internet, ngày hội cũng là sự kiện trao giải thưởng cuộc thi AntiFakeNews với sự tham gia của hơn 500 bạn trẻ là sinh viên các trường Đại học và các nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng TikTok.

Đây là chiến dịch "Tin" do Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử thực hiện.

Theo các chuyên gia phân tích, tin giả đã gây ra thiệt hại lớn cho nhiều ngành và lĩnh vực, đặc biệt là nhóm ngành tài chính, chứng khoán, ngân hàng. Nghiên cứu của Đại học Baltimore (Mỹ) cùng công ty CHEQ công bố vào năm 2019 cho thấy, tin giả - tin sai lệch được biểu hiện theo nhiều cách đã tạo ra con số thiệt hại toàn cầu ở mức 78 tỉ USD, một con số cho thấy sự tổn hại và tác động khổng lồ của tin giả là thật. Trong đó, thị trường tài chính toàn cầu bị tác động nặng nề nhất với 65 tỉ USD giá trị thiệt hại.
Theo ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập MoMo, "thị trường tài chính - ngân hàng vốn là một thị trường của niềm tin nên tin giả liên quan thị trường này sẽ tạo ra tác động cực kỳ lớn, nó tác động trực tiếp đến doanh nghiệp là đối tượng của tin giả cùng toàn bộ ngành và thị trường. Chúng ta có thể dễ dàng chia sẻ lý do tin giả ngành này thu hút và lan tỏa nhanh là bởi ai cũng quan tâm đến tiền của mình, như ông bà nói "đồng tiền đi liền khúc ruột" nên các tin giả tài chính mới có sức hút nhạy cảm như vậy với tất cả chúng ta".

"Tin giả của lĩnh vực tài chính - ngân hàng gây sụt giảm niềm tin của người tiêu dùng, nhà đầu tư, không chỉ với công ty, đối tượng của tin giả, mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ lĩnh vực, mảng thị trường đó. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến kinh doanh của công ty và ngành, gây ra thiệt hại về uy tín, hình ảnh thương hiệu của công ty. Các công ty là nạn nhân của tin giả chịu nhiều tổn thất về tài chính ngắn và dài hạn để xử lý tin giả và hồi phục kinh doanh", ông Nguyễn Bá Diệp chia sẻ thêm.

Trước vấn nạn này, phía ông Nguyễn Bá Diệp cho rằng các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng cần chủ động có kịch bản ứng phó với tin giả theo ba yếu tố đề xuất bao gồm:

  • Không né tránh: vì né tránh chỉ làm tin giả càng có cơ hội được lan tỏa và mọi người tin nó là thật. Từ tâm thế không né tránh, doanh nghiệp có thể ứng phó tốt hơn, tạo được niềm tin đối với khách hàng và nhà đầu tư.
  • Đừng e sợ tin giả: bởi đây đã là một vấn nạn phổ biến và bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể trở thành mục tiêu của tin giả. Do đó, một kịch bản ứng phó tin giả là điều cần thiết để doanh nghiệp có thể chủ động ứng phó.
  • Minh bạch thông tin: doanh nghiệp cần minh bạch thông tin trên các kênh truyền thông chính thức của doanh nghiệp và kênh truyền thông báo chí. Điều này tránh được việc người tiêu dùng tìm kiếm thông tin từ các nguồn tin không đáng tin cậy vì không tìm được ở nguồn tin chính thức, chính thống.

Ông Diệp cũng dẫn chứng bằng một trường hợp cụ thể mà MoMo đối mặt tin giả khi một sự vụ bảo trì hệ thống kỹ thuật có gián đoạn dịch vụ thường gặp ở các công ty cung cấp dịch vụ trên toàn cầu nhưng lại bị tin giả có chủ đích cho rằng 'hệ thống bị hack' khiến người dùng lo lắng.

"Giới trẻ hiện nay là nhóm người dùng chính đang góp phần xây dựng và định hình văn hóa trên không gian mạng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Họ cần trang bị nhiều kiến thức theo xu hướng phát triển, trong đó, nhận biết và phòng tránh bẫy tin giả là một trong những kiến thức quan trọng nhất. Ai cũng có khả năng trở thành nạn nhân của tin giả nhưng khi mỗi người phát triển tư duy nhận thức và kiến thức thì tin giả khó có thể lan tỏa", ông Diệp nhấn mạnh.

Gửi phản ánh 0899.888.222