Xuất hiện nhiều video, ảnh giả mạo về chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine
Theo Gizmodo, một website về khoa học-công nghệ, công chúng không nên tin vào tất cả những nội dung được chia sẻ trên internet lúc này, "đặc biệt là khi theo dõi các mạng xã hội".
Sau khi Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24/2, thông tin về căng thẳng giữa Nga và Ukraine xuất hiện ồ ạt trên internet. Theo Gizmodo, một website về khoa học-công nghệ, công chúng không nên tin vào tất cả những nội dung được chia sẻ trên internet lúc này, "đặc biệt là khi theo dõi các mạng xã hội".
Những hình ảnh và video về tình hình chiến sự tại Ukraine như cảnh các chốt kiểm soát biên giới của nước này bị phá hủy, các sân bay của Ukraine chìm trong lửa hay tên lửa của Nga rơi xuống thủ đô Kiev... đang khiến công chúng hoảng sợ. Tuy nhiên, Gizmodo cho rằng không phải tất cả những nội dung được chia sẻ trên mạng xã hội lúc này đều đáng tin cậy.
Gizmodo đã phát hiện ít nhất 10 hình ảnh và video đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội là hoàn toàn giả mạo. Trong đó, một số video và hình ảnh thực ra đã xuất hiện từ nhiều năm trước. Thậm chí có hình ảnh không được chụp tại Ukraine. Có 2 thí dụ về video xuất hiện trên Twitter vào ngày 24/2 được lấy từ trò chơi điện tử có chủ đề chiến tranh.
"Không ai biết chiến dịch của Nga tại Ukraine sẽ kéo dài trong bao lâu. Tuy nhiên, bạn có thể đặt cược vào một điều rằng: Sẽ có thêm nhiều hình ảnh và video giả xuất hiện trên internet trước khi cuộc xung đột này chấm dứt", Gizmodo cảnh báo.
Kiểm chứng thông tin
1. Một số tài khoản Twitter đã chia sẻ video có tiêu đề "Ukraine phóng tên lửa phòng không trong đêm". Tuy nhiên, đây lại là hình ảnh trong trò chơi điện tử War Thunder.
2. Một video đã nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội cùng chú thích "Đám cháy bùng phát do các cuộc không kích của Nga đã gây ra phản ứng dây chuyền tại nhà máy điện Luhansk của Ukraine". Nhưng thật ra đây là video có từ năm 2015, ghi lại đám cháy tại Thiên Tân, Trung Quốc.
Một người có tên Dan Van Duren đã quay video này và tải lên YouTube. Video này không tồn tại trên nền tảng này nữa nhưng các bản sao của nó lại xuất hiện trên nhiều trang tin.
3. Gizmodo khuyến nghị công chúng không nên tin ngay vào tất cả những hình ảnh máy bay bị bắn hạ đang lan truyền trên mạng xã hội.
Lần gần đây nhất hình ảnh dưới đây được đăng tải là vào tháng 1/2022 trên một blog tiếng Nga, dưới dạng ảnh chụp màn hình. Có thể hình ảnh này có từ năm 2017 và không liên quan tình hình hiện nay tại Ukraine.
4. Một video khác được cho là ghi hình tại Ukraine ngày 24/2 thực chất là video của vụ nổ tại Beirut, Lebanon, năm 2020, khiến ít nhất 218 người thiệt mạng.
5. Video cùng dòng chú thích ngắn "Điều này thật điên khùng" với hashtag dành cho Ukraine và Nga được cho là ghi lại hình ảnh ngày đầu Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine. Tuy nhiên, máy bay trong video là chiếc F-16 của quân đội Mỹ. Đến nay, Mỹ chưa đưa ra cam kết hỗ trợ quân sự đối với Ukraine.
6. Video chứa những hình ảnh được cho là cảnh tượng chiến tranh tại Ukraine này có trong trò chơi điện tử mang tên Arma 3. Tuy nhiên, một tài khoản Twitter lại cho rằng video này cho thấy máy bay chiến đấu của Nga đã tránh được các tên lửa sau khi thả bom.
7. Video dưới đây cũng được chia sẻ nhanh chóng trên mạng xã hội cùng thông tin "đoàn lính dù của quân đội Nga" đang đổ bộ xuống Ukraine. Trên thực tế, video này ghi lại cuộc tập trận của Nga vào năm 2018.
8. Một video với nội dung "tên lửa hành trình do quân đội Nga phóng nhằm vào Ukraine" thực chất là video ghi lại vụ tấn công tên lửa nhằm vào Đại sứ quán Mỹ tại Iraq từ tháng trước.
9. Hình ảnh dưới đây cũng bị lan truyền cùng thông tin không đúng sự thật rằng người đàn ông trong ảnh đang vẫy cờ Nga tại một tòa nhà của chính quyền tại thành phố Kharkiv, Ukraine, vào ngày 24/2 vừa qua. Trên thực tế, bức ảnh này có từ năm 2014.
10. Trên Twitter đã xuất hiện video cùng thông tin cho biết nhiều máy bay của Nga bay trên bầu trời thủ đô Kiev của Ukraine. Tuy nhiên, theo công cụ kiểm chứng thông tin First Draft, đây là những hình ảnh trong một triển lãm hàng không từ năm 2020.
Theo thông tin trên YouTube, video gốc được tải lên nền tảng này vào ngày 4/5/2020, ghi lại một chuyến bay tại thủ đô Moskva của Nga một vài năm trước.
Theo Hoàng Hà/ Báo Nhân Dân
https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/xuat-hien-nhieu-video-anh-gia-mao-ve-chien-dich-quan-su-cua-nga-tai-ukraine-687148/